Đợt tăng thuế mới của Mỹ với hàng hoá Trung Quốc: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

108

Ngày 14/05/2024, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tăng mạnh thuế đối với một loạt hàng hoá Trung Quốc. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng, với mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi tình trạng cạnh tranh không bình đẳng.

Chính sách tăng thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc:

Ngày 22/05/2024, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã đưa ra thông báo liên bang đề xuất một số sửa đổi thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được thực hiện từ 01/08/2024. Trong đó bao gồm các ngành công nghiệp chiến lược và trọng điểm như xe điện (EV), tấm pin mặt trời, chất bán dẫn, sản phẩm thép và nhôm. Việc tăng thuế mới sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ đô la mỹ từ Trung Quốc cụ thể:

Hàng hoá Thuế Ngày có hiệu lực
Bộ phận pin Tăng từ 7,5% lên 25% 01/08/2024
Xe điện (EV) Tăng từ 25% lên 100% 01/08/2024
Pin lithium-ion cho xe điện Tăng từ 7,5% lên 25% 01/08/2024
Pin lithium-ion không cho xe điện Tăng từ 7,5% lên 25% 01/01/2026
Nam châm vĩnh cửu Tăng từ 0% lên 25% 01/01/2026
Chất bán dẫn Tăng từ 25% lên 50% 01/01/2025
Pin mặt trời (đã hoặc chưa lắp ráp thành mô-đun) Tăng từ 25% lên 50% 01/08/2024
Sản phẩm thép và nhôm Tăng từ 0 – 7,5% lên 25% 01/08/2024
Than chì tự nhiên Tăng từ 0% lên 25% 01/01/2026
Khoáng sản quan trọng khác Tăng từ 0% lên 25% 01/08/2024
Cần cẩu chuyển hàng tàu-bờ (STS) Tăng từ 0% lên 25% 01/08/2024
Mặt nạ Tăng từ 0 – 7,5% lên 25% 01/08/2024
Ống tiêm và kim tiêm Tăng từ 0% lên 50% 01/08/2024
Găng tay y tế Tăng từ 0 – 7,5% lên 25% 01/01/2026

 

Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 đối với các sản phẩm này. Nhà Trắng cho biết, quyết định (áp thuế thêm) được đưa ra do “những rủi ro không thể chấp nhận” đối với an ninh kinh tế Mỹ vì những gì nước này coi là “hành vi không công bằng của Trung Quốc”.

Việc rà soát pháp lý theo Mục 301 đã chỉ ra rằng chúng “có hiệu quả trong việc khuyến khích Trung Quốc thực hiện các bước nhằm loại bỏ một số hành vi và chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ” đồng thời giảm khả năng tác động tới các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ. Theo đó, thuế quan có ít tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, trong khi chúng tác động tích cực đến sản xuất ở 10 lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi thuế quan. Tuy nhiên, USTR cũng cho rằng cần có “hành động tiếp theo” vì Trung Quốc tiếp tục áp đặt các chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ.

Biện pháp đáp trả của Trung Quốc:

Sau thông báo của Mỹ về thuế quan, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”. MOFCOM cho rằng quyết định tăng thuế của Mỹ đã vi phạm cam kết của Tổng thống Joe Biden về việc “không tìm cách chèn ép, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc” và “không tìm cách tách rời, cắt đứt chuỗi liên kết với Trung Quốc”, cũng không phù hợp với tinh thần các đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đạt được và “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí hợp tác song phương”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp đáp trả hành động của Mỹ. Ngày 19/05/2024, MOFCOM đã công bố điều tra chống bán phá giá đối với copolyme polyformaldehyde (POM) nhập khẩu có nguồn gốc từ EU, Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Cuộc điều tra được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn các hành động tiếp theo của Mỹ và EU, có thể dẫn đến việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với những hàng hóa này.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung:

Việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại thứ hai. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tiếp cận thận trọng hơn đối với các biện pháp đối phó của mình, tránh trả đũa trực tiếp. Sự kiềm chế này cho thấy hai nước có thể tránh lặp lại căng thẳng thương mại năm 2018, khi họ tìm cách tránh những hậu quả kinh tế đã trải qua trong cuộc xung đột trước đó.

Trong một số lĩnh vực nhất định, thuế quan và các biện pháp đối phó mới sẽ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện quan trọng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí gia tăng và có thể được chuyển sang người tiêu dùng. Ngược lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ nhận thấy khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường Mỹ giảm đáng kể, dẫn đến nguy cơ tổn thất về doanh thu và nhu cầu tìm kiếm các thị trường thay thế.

Thuế quan cũng có thể đẩy nhanh các xu hướng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn đưa sản xuất về nước hoặc các nước lân cận và đa dạng hóa. Các doanh nghiệp Mỹ có thể tìm cách đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ hoặc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro về thuế quan trong tương lai. Tương tự, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm cách lách thuế bằng cách thiết lập hoạt động sản xuất ở nước thứ ba hoặc thậm chí bắt đầu sản xuất trong nước ở Mỹ. Tuy nhiên, những hành động này có thể khiến Mỹ đưa ra các biện pháp phòng ngừa để hạn chế những lỗ hổng đó.

Tác động tới Việt Nam:

Các nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Việt Nam,… sẽ phải đối mặt với áp lực hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, có thể gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà sản xuất trong nước. Do đó, sự hỗn loạn trong thương mại và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Trong quá khứ, Việt Nam đã bị Mỹ điều tra vì cho phép Hàn Quốc trá hình sản xuất thép ở Việt Nam, rồi bán vào Mỹ, hay Trung Quốc cũng trá hình sản xuất nhôm và thép ở Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, Việt Nam cần giảm phụ thuộc hàng nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như có những biện pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất trá hình hàng hóa Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Mặt khác, nếu Việt Nam không ngăn chặn được hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào thì các nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn. Do đó, Việt Nam cần có biện pháp ứng phó trước vấn đề này.

Tham khảo:

  1. Arendse Huld, 2024, US Tariff Increases on Chinese Imports – Implications for Trade and Businesses, China Briefing, xem tại: https://www.china-briefing.com/news/us-tariff-increases-on-chinese-imports-implications-for-trade-and-businesses/.
  2. TS. Bùi Ngọc Sơn, 2024, Mỹ tăng thuế với Trung Quốc (Kỳ II): Những tác động khó lường, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, xem tại: https://diendandoanhnghiep.vn/my-tang-thue-voi-trung-quoc-ky-ii-nhung-tac-dong-kho-luong-263978.html.
  3. Office of the United States Trade Representative, U.S. Trade Representative Katherine Tai to Take Further Action on China Tariffs After Releasing Statutory Four-Year Review, xem tại: https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2024/may/us-trade-representative-katherine-tai-take-further-action-china-tariffs-after-releasing-statutory .
  4. Bộ Thương mại Trung Quốc, xem tại: http://us.mofcom.gov.cn/article/jmxw/202405/20240503509953.shtml.