SỰ TRỞ LẠI CỦA DONALD TRUMP VÀ KẾ HOẠCH ÁP THUẾ ĐỐI VỚI MEXICO, CANADA VÀ TRUNG QUỐC – VIỆT NAM LIỆU CÓ ĐƯỢC HƯỞNG LỢI?

165

Ngày 25/11/2024 (giờ địa phương), Donald Trump chính thức đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ hai. Sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump có thể tác động đáng kể tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một tuyên bố đáng chú ý của Donald Trump khi vừa đắc cử là việc ông sẽ áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, nhằm ngăn chặn ma túy và người di cư qua biên giới. Vậy, liệu Việt Nam có được hưởng lợi từ kế hoạch áp thuế này của Tổng thống Mỹ hay không? 

Tuyên bố của Donald Trump về kế hoạch áp thuế lên hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc 

Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump đã đề cập đến một đoàn người di cư từ Mexico tìm đường qua biên giới Mỹ, và tuyên bố rằng ông sẽ ban hành một sắc lệnh để đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cho đến khi chấm dứt tình trạng ma túy và người di cư qua biên giới. Với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”, ông Trump viết:“Mức thuế này sẽ duy trì hiệu lực cho đến khi ma túy, đặc biệt là Fentanyl, và những người nhập cư bất hợp pháp chấm dứt cuộc xâm lược vào đất nước của chúng ta!”. 

Ông cũng nhấn mạnh rằng cả Mexico và Canada đều có đủ quyền lực để giải quyết triệt để vấn đề, tuy nhiên họ đã không làm, vì vậy sắc lệnh được ban hành sẽ tạo sức ép buộc Canada và Mexico phải thực thi quyền lực đó. 

Trong một bài đăng khác, ông Trump cũng cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế tăng thêm 10% đối với tất cả các hàng hóa, trừ khi Trung Quốc kiểm soát được việc vận chuyển thuốc trái phép vào Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng:“Các quan chức Trung Quốc từng nói với tôi rằng họ sẽ xử tử những kẻ buôn ma túy, nhưng họ chưa bao giờ làm được”. 

Mexico, Canada và Trung Quốc cùng nhau chiếm hơn 1/3 tổng lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ, cung cấp việc làm cho 10 triệu lao động Mỹ. Vì vậy, những phát ngôn của ông Trump ngay lập tức gây ra sự trượt giá đồng tiền của Canada và Mexico, và người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã ngay lập tức cảnh bảo rằng “không ai sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại”.

Trong chiến dịch tranh cử Donald Trump đã sử dụng thuế quan như một công cụ chủ chốt, tương tự như ông từng làm trong nhiệm kỳ đầu. Năm 2017, ông Trump đã áp mức thuế lên đến 25% đối với kim loại toàn cầu và rất nhiều các sản phẩm khác từ Trung Quốc. Năm 2019, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Mexico và đóng cửa biên giới trừ khi quốc gia này dừng nhập cư bất hợp pháp. Trong chiến dịch tranh cử lần hai, ông Trump thậm chí còn đề xuất áp dụng mức thuế cao hơn, 60% hoặc hơn đối với những hàng hóa Trung Quốc, và 10% đến 20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác. 

Những lo ngại từ kế hoạch đánh thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump

Mục tiêu chính của việc đánh thuế cao các sản phẩm nhập khẩu của Donald Trump là nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng nguồn thu ngân sách nhằm bù đắp những khoản thâm hụt từ kế hoạch cắt giảm thuế. Dù ông Trump tuyên bố rằng các quốc gia bị áp thuế sẽ phải chịu thuế quan, nhưng trên thực tế, chi phí này thường do các công ty nhập khẩu trả và sau đó được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, thuế quan có thể làm tăng nguy cơ lạm phát tại Mỹ. 

Việc áp đặt thuế quan lên hàng hóa của Canada và Mexico cũng sẽ vi phạm các điều khoản của Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) mà chính ông Trump đã đặt bút ký vào năm 2020. Điều này có thể tạo ra những thách thức pháp lý đối với Mỹ, đồng thời có khả năng đe dọa chính hiệp định và các điều khoản thương mại bao hàm cho khu vực Bắc Mỹ. 

Thuế quan cũng thường kéo theo các biện pháp trả đũa từ các quốc gia bị áp thuế, dẫn đến chiến tranh thương mại. Minh chứng là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong chính nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, làm suy giảm hiệu quả đối với sản xuất trong nước khi hàng hóa của Mỹ kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế. 

Liệu kinh tế Việt Nam có được hưởng lợi từ chính sách áp thuế của Donald Trump?

Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và đặt Việt Nam và danh sách giám sát vì “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã không áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với các sản phẩm của Việt Nam. 

Việc tái đắc cử của ông Trump đã đặt ra câu hỏi về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Với kịch bản ông Trump đưa ra hiện tại, việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, từ đó làm giảm sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Ngoài ra, việc điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác, nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh tại các thị trường khác, làm tổn hại ngành công nghiệp trong những khu vực đó, bao gồm Việt Nam. 

Tuy nhiên, từ góc độ ngược lại, việc ông Trump tái đắc cử cũng mang lại những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam. 

Một, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự thay thế thương mại nếu Mỹ tăng cường chuyển dịch xa khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mở ra cơ hội tăng cường thương mại với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà kinh tế dự báo rằng việc tái phân bổ thương mại này có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,5% so với kịch bản của chính quyền Harris, khi chuỗi cung ứng được điều chỉnh và việc nhập khẩu từ Mỹ tăng từ Việt Nam.

Hai, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại về thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ (khoảng 100 tỷ USD vào năm 2023, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico) có thể trơ thành vấn đề đối với chính quyền của ông Trump. Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét các biện pháp giải quyết sự mất cân bằng này trước khi nó trở thành vấn đề với chính quyền mới. Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM), vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết bằng cách mua các sản phẩm giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay. 

Ba, nếu Mỹ áp thuế toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Canada và Mexico, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDU. Do đó, những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỷ USD FDI vẫn sẽ tiếp tục duy trì. 

Kết luận

Nhìn chung, việc tái đắc cử của ông Trump, tương tự như nhiệm đầu tiên, vẫn sẽ tạo ra những thách thức và cơ hội song song cho nền kinh tế Việt Nam. Liệu những mối đe dọa về thuế quan có đang bị phóng đại và con số chỉ là quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán của ông Trump? Mọi dự đoán sẽ ngã ngũ khi ông Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào Tháng 1/2025. 

Xem thêm tại: 

  1. Ana Swanson, Matina Stevis-Gridneff và Simon Romero, “Trump Plans Tariffs on Mexico, Canada and China That Could Cripple Trade”, xem tại: https://www.nytimes.com/2024/11/25/business/economy/trump-tariffs-canada-mexico-china.html (truy cập ngày 26/11/2024)
  2. Hoàng Yến, ““Nguy” và “cơ” với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ mới của ông Trump”, xem tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nguy-va-co-voi-kinh-te-viet-nam-trong-nhiem-ky-moi-cua-ong-trump-163631.html (truy cập ngày 26/11/2024). 

Đoàn Hằng, “Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam”, xem tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-tac-dong-nhu-the-nao-den-kinh-te-viet-nam-63953.html (truy cập ngày 26/11/2024).