NHÌN LẠI HOẠT ĐỘNG NĂM 2024 CỦA CHƯƠNG TRÌNH WTO CHAIR TẠI TRƯỜNG ĐH NGOẠI THƯƠNG

75

Tiếp nối thành công của năm 2023, năm 2024 đánh dấu một chặng đường đầy ấn tượng trong hành trình phát triển và triển khai các hoạt động của chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương. Chương trình không chỉ tiếp tục giữ vững các mục tiêu chiến lược mà còn mở rộng và làm phong phú thêm các hoạt động trong ba trụ cột quan trọng: Nghiên cứu, Phát triển chương trình đào tạo và Truyền thông & Hợp tác. Cùng nhìn lại những hoạt động nổi bật đã ghi dấu trong năm qua:

1. Tọa đàm với chủ đề “Access to finance, including of trade finance”: Được tổ chức vào tháng 2/2024, toạ đàm có sự tham gia của đại diện của WTO và Công ty Tài chính Quốc tế IFC đã trình bày kết quả của báo cáo chung về Tài trợ thương mại mới được công bố năm 2023. Theo sau đó, các chuyên gia của WTO, IFC, Đại học Ngoại Thương và đại diện từ chính phủ Việt Nam đã cùng tiến hành thảo luận để làm rõ các vấn đề liên quan tới tiếp cận tài chính, đặc biệt là việc tiếp cận các khoản vay ngắn và dài hạn nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Khóa đào tạo “Phương pháp Nghiên cứu trong Thương mại quốc tế cho giảng viên trẻ”: Khoá đào tạo được khai giảng tại Hà Nội vào tháng 5/2024 với 16 buổi học bao gồm 2 phần Cơ bản và Nâng cao. Nội dung khóa đào tạo có sự kết hợp lý thuyết, hướng dẫn thực hành, và hoạt động mentoring dưới sự dẫn dắt bởi các chuyên gia, giảng viên hàng đầu, khóa đào tạo đã trang bị cho gần 15 giảng viên trẻ của trường ĐH Ngoại thương và cán bộ trẻ của cơ quan quản lý nhà nước những phương pháp cũng như ký năng cơ bản về nghiên cứu trong thương mại quốc tế.

3. Tọa đàm lấy ý kiến cho đề cương khóa học “Thương mại số trong kỷ nguyên mới: Từ quy định đến thực tiễn”: Tọa đàm được tổ chức tổ chức vào tháng 6/2024 nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và thành viên của chương trình WTO Chairs để có những chỉnh sửa cần thiết và quan trọng về mục tiêu của khoá học, nội dung chi tiết các chủ đề trong khoá học, thời lượng và các chuyên gia giảng dạy cho chương trình đào tạo ngắn hạn được đưa vào chương trình giảng dạy trong thời gian tới của Chương trình.

4. Khóa học ngắn hạn về “Các vấn đề phi thương mại trong thương mại quốc tế – Trade and Other Concerns”: Được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7/2024, khóa học đã thu hút sự tham gia của nhiều học viên đến từ sở, ban ngành của thành phố Đà Nẵng, một số tỉnh miền Trung cũng như giảng viên giảng dạy về kinh tế, pháp luật, môi trường… của một số trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Khoá học đã cung cấp cho các học viên các kiến thức, hiểu biết về thương mại và các vấn đề phi thương mại ở cả góc độ vi mô và vĩ mô, mối quan hệ giữa các vấn đề thương mại và phi thương mại trong bối cảnh mới của thương mại quốc tế.

5. Sự kiện Hội nghị thường niên năm 2024 của Chương trình WTO Chairs: Tháng 06/2024, TS Vũ Kim Ngân – Đại diện Chương trình WTO Chairs tại trường ĐH Ngoại thương đã tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 của Chương trình WTO Chairs tại Geneva và có phần trình bày về nội dung tập trung vào các vấn đề liên quan đến thương mại và biến đổi khí hậu, cũng như nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của thương mại trong việc thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hội nghị, TS. Vũ Kim Ngân cũng đã tham gia phiên họp dành riêng cho các Chương trình Chairs của châu Á để cùng thảo luận về phương hướng hợp tác và phát triển hoạt động giữa các nước trong khu vực đối với cả ba trụ cột: Nghiên cứu, Phát triển chương trình đào tạo và Hoạt động đối ngoại, tổ chức sự kiện.

6. Hội thảo chuyên đề “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế”: Tháng 08/2024, trường ĐH Ngoại thương, phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), WCP – FTU đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế”. Hội thảo bao gồm các phiên trình bày và thảo luận bàn tròn, tập trung vào thực tiễn điều tra, kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, phối hợp thông tin và cải thiện năng lực của doanh nghiệp trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng. Hội thảo cũng cung cấp góc nhìn toàn diện về xu hướng toàn cầu và định hướng giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động bảo vệ lợi ích kinh tế trong thương mại quốc tế.

7. Hội thảo quốc tế với chủ đề “Rethinking international trade in response to emerging challenges”: Tổ chức tại trường Đại học Ngoại thương vào tháng 10/2024, hội thảo quy tụ sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện của các Đại sứ quán, chuyên gia trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường Đại học, các tổ chức, doanh nghiệp. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những thách thức mà hệ thống thương mại quốc tế đang đối mặt, từ những vấn đề hiện hữu của thể chế toàn cầu và các quy tắc lỗi thời của WTO, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ mới, an ninh quốc gia được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp hạn chế thương mại, phi toàn cầu hóa, tái toàn cầu hóa, thiếu sự lãnh đạo và thống nhất chung trong môi trường quốc tế, …. Từ đó đề xuất những định hướng tiếp theo để hệ thống thương mại ổn định và mạnh mẽ trở lại. Các chuyên gia cũng tập trung và nhấn mạnh tới hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam và cho rằng, Việt Nam trong thời gian tới, với việc tập trung phát huy nội lực, chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh sẽ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

8. Hội thảo “Thương mại quốc tế trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”: Hội thảo do Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Sở Công thương Tỉnh Bạc Liêu tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, quy tụ sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nông sản. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cùng các bên liên quan trao đổi để tìm ra những giải pháp giúp nông sản của Việt Nam vượt qua được những thách thức mới trong thương mại quốc tế và tiếp tục là một trong những động lực, trụ cột của hoạt động ngoại thương.

9. Hội thảo Quốc gia về Luật Công nghệ lần thứ 28 (NYCU): Tháng 11/2024, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương cùng các thầy cô là thành viên Chương trình đã đại diện tham dự Hội thảo tại Đài Loan. Sự tham gia của các thành viên từ Chương trình WCP – FTU không chỉ nâng cao uy tín của chương trình mà còn khẳng định vai trò của Trường Đại học Ngoại thương trong việc đóng góp vào các nghiên cứu và giải pháp chính sách toàn cầu. Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác và trao đổi với các chuyên gia quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo và sự phát triển bền vững trong lĩnh vực luật công nghệ và môi trường tại Việt Nam.

10. Các kết quả nghiên cứu khác: Bên cạnh các hoạt động trên, các thành viên của chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương đã công bố 5 bài nghiên cứu và 4 bài tóm tắt chính sách, góp phần không nhỏ vào thành công của trụ cột nghiên cứu trong năm 2024.

Những hoạt động nổi bật trên đã đánh dấu một năm sôi động và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận của Chương trình. Những thành quả trên chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng của từng thành viên trong Ban quản lý chương trình. Với những kết quả này, chúng ta có thể kỳ vọng vào một năm 2025 đầy triển vọng và tiếp tục là một năm thành công của chương trình.