Luôn đi đầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua Chỉ thị Thẩm định tính bền vững của Doanh nghiệp (EU Corporate Sustainability Due Diligence Directive (CSDDD)) vào ngày 24/5/2024. Theo đó, Chỉ thị này yêu cầu các công ty đảm bảo tuân thủ các quy định về quyền con người và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Bài viết này sẽ cung cấp một góc nhìn tổng quan về Chỉ thị mới này của Liên minh Châu Âu và phân tích tác động trong tương lai có thể có đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng quan Chỉ thị Thẩm định tính bền vững của Doanh nghiệp
Sự cần thiết của việc ban hành Chỉ thị
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng (just transition) nhằm hướng tới một nền kinh tế bền vững, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, Chỉ thị được ban hành sẽ thống nhất mục tiêu này trong toàn bộ các quốc gia thành viên EU.
Chỉ thị được đề xuất dựa trên ý kiến từ các bên liên quan, bao gồm công dân EU, các doanh nghiệp, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp, nêu lên sự cần thiết của một quy định về thẩm định chuỗi cung ứng doanh nghiệp. Theo trang thông tin từ Ủy ban Châu Âu, 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát trong cuộc tham vấn công khai đưa ra ý kiến rằng: Cần có quy định thống nhất từ EU về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp.
Chỉ thị này của EU sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý thống nhất và đảm bảo sự bình đẳng giữa các công ty trong thị trường chung EU (internal market). Chỉ thị này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng cường sự đổi mới và đảm bảo tính chắc chắn pháp lý cho các công ty khi đối mặt với các vấn đề liên quan tới tác động bền vững từ các hoạt động của mình. Đồng thời, Chỉ thị sẽ định hướng các doanh nghiệp hướng tới hoạt động có trách nhiệm và tạo bước đệm cho việc thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về thẩm định bắt buộc trong lĩnh vực môi trường và quyền con người.
Doanh nghiệp chịu tác động
Chỉ thị sẽ có tác động tới công ty có trên 1000 lao động, với doanh thu hơn 450 triệu Euro, hoạt động trải dài từ sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ ở thượng nguồn đến phân phối, vận chuyển hoặc lưu trữ hàng hóa ở hạ nguồn của chuỗi cung ứng. Các công ty này sẽ phải thiết lập hệ thống đo lường và phòng chống rủi ro từ chuỗi cung ứng của mình lên quyền con người hoặc thiệt hại về môi trường.
Chỉ thị yêu cầu các công ty đảm bảo tôn trọng các nghĩa vụ về quyền con người và bảo vệ môi trường xuyên suốt các hoạt động thuộc chuỗi cung ứng của mình. Trong trường hợp vi phạm, các công ty thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị này sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu, chấm dứt các tác động tiêu cực từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả các hoạt động từ các công ty con hoặc các đối tác kinh doạn. Các công ty sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra và đưa ra các bồi thường tương ứng.
Lộ trình áp dụng Chỉ thị
Trong các nguồn luật thứ cấp của EU (Regulations, Directives, Decisions), khác với Quy định (Regulation) với tính áp dụng trực tiếp đối với các quốc gia thành viên, Chỉ thị (Directive) sẽ đề ra mục tiêu chung và trao quyền cho các quốc gia thành viên ban hành các văn bản thực thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Chỉ thị. Theo đó, sau khi CSDDD chính thức có hiệu lực (vào ngày 25/07/2024), các quốc gia thành viên sẽ có 2 năm để ban hành các văn bản luật hoặc các văn bản thực thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra của Chỉ thị này.
Ngoài ra, lộ trình áp dụng của Chỉ thị cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào quy mô của các công ty, cụ thể:
- 3 năm kể từ thời điểm Chỉ thị có hiệu lực đối với các công ty có từ 5000 lao động trở lên và doanh thu từ 1500 triệu Euro;
- 4 năm kể từ thời điểm Chỉ thị có hiệu lực đối với các công ty có từ 3000 lao động trở lên và doanh thu từ 900 triệu Euro;
- 5 năm kể từ thời điểm Chỉ thị có hiệu lực đối với các công ty có từ 1000 lao động trở lên và doanh thu từ 450 triệu Euro.
Tác động tới doanh nghiệp Việt Nam:
Như đã nêu ở trên, các công ty thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị sẽ phải thực hiện thẩm định bắt buộc không chỉ với các hoạt động của mình mà còn cả các hoạt động của các đối tác trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các đối tác nước ngoài. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Châu Âu cũng sẽ có thể chịu sự điều chỉnh của Chỉ thị này.
Để chủ động ứng phó với tác động tiêu cực từ Chỉ thị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham vấn với các cơ quan Chính phủ Việt Nam kịp thời cập nhật các thông tin chính xác liên quan tới việc thực thi Chỉ thị và xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng cường đầu tư các trang thiết bị công nghệ, đào tạo người lao động hướng tới mô hình sản xuất xanh, bền vững, từ đó đảm bảo vị trí của mình trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Châu Âu.
Tham khảo:
- Council of the European Union, 2024, Corporate sustainability due diligence: Council gives its final approval, xem tại: https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2024/05/24/corporate-sustainability-due-diligence-council-gives-its-final-approval/.
- European Commission, Corporate sustainability due diligence, xem tại: https://commission.europa.eu/business-economy-euro/doing-business-eu/sustainability-due-diligence-responsible-business/corporate-sustainability-due-diligence_en.
- Mak, Chantal, “Corporate sustainability due diligence: More than ticking the boxes?”, Maastricht Journal of European and Comparative Law 29, no. 3 (2022): 301-303.
- Patz, Christopher, “The EU’s draft corporate sustainability due diligence directive: A first assessment”, Business and human rights journal 7, no. 2 (2022): 291-297.