Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” ngày 06/08/2024

329

Ngày 06/08/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có sự tham dự của: Đại sứ Mai Phan Dũng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam; Ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam; Ông Tô Thái Ninh –Trưởng phòng, Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại, Bà Nguyễn Yến Ngọc – Trưởng phòng, Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương; Ông Nguyễn Hoàng Hà – Phó trưởng phòng Thuận lợi hoá Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương; Ông Lê Sỹ Giảng – Giám đốc điều hành GH Consults (GHC); cùng với đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm đến chủ đề của Hội thảo.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngoại thương; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; TS Vũ Kim Ngân – Phó giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, trường ĐH Ngoại thương; TS. Hoàng Ngọc Thuận – Phó Trưởng Ban quản lý Dự án WCP-FTU, Trường Đại học Ngoại thương và Trưởng, Phó một số đơn vị trong Trường cùng với các giảng viên, sinh viên Nhà trường

PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia kí kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Đồng thời, việc tìm hiểu các nội dung về phòng vệ thương mại (PVTM) là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất nội địa. Là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực thương mại quốc tế, trong khuôn khổ chương trình WTO Chair, trường ĐH Ngoại thương đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động thảo luận và tư vấn chính sách, thu hẹp khoảng cách giữa các vấn đề học thuật và thực tiễn, đồng thời kết nối các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến vấn đề thời sự này.

Đại sứ Mai Phan Dũng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ cũng cũng đã đề cập đến những vấn đề nổi bật của thương mại quốc tế, trong đó nhấn mạnh sự phức tạp của xu hướng phòng vệ thương mại toàn cầu đòi hỏi các quốc gia cần xây dựng các biện pháp ứng phó. Đại sứ cũng hoan nghênh nỗ lực của Chương trình WTO Chair tại trường Đại học Ngoại thương trong việc tổ chức hội thảo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về các vấn đề thương mại toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các học giả, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách.

Phát biểu khai mạc của Đại sứ Mai Phan Dũng

Đại diện BLĐ Nhà trường trao quà lưu niệm cho Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam – Đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo

Ban quản lý Chương trình WTO Chair – FTU trao quà lưu niệm cho các diễn giả của Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với hai hoạt động chính, bao gồm Phiên Trình bày tham luận và Thảo luận bàn tròn. Phiên Trình bày tham luận gồm ba bài trình bày với các nội dung liên quan đến thực tiễn điều tra và áp dụng biện pháp PVTM cũng như kinh nghiệm sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam, cùng với phần trao đổi của các diễn giả và đại diện các bên liên quan với khán giả tham dự Hội thảo.

Đứng trên góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về Phòng vệ thương mại, bài trình bày đầu tiên của ông Tô Thái Ninh – Trưởng phòng, Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại đã chỉ ra tác động của các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và đưa ra những đánh giá về những thành công và hạn chế của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và các cơ quan điều tra PVTM.

Ông Tô Thái Ninh và bài trình bày về thực tiễn điều tra áp dụng các biện pháp PVTM của Việt Nam

Bài trình bày thứ hai của Ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đặt ra một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm về những kinh nghiệm sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Bài tham luận đã trình bày về những vụ kiện thực tế liên quan đến ngành thép được khởi xướng điều tra từ cả trong lẫn ngoài nước. Thông qua kết quả của các vụ việc, bài trình bày đã rút ra những kinh nghiệm cho ngành thép nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại

Ông Đinh Quốc Thái và bài trình bày báo cáo công tác phòng vệ thương mại trong ngành thép

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, trường ĐH Ngoại thương đã nêu lên thực trạng ứng phó với rào cản PVTM trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Có thể thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, các doanh nghiệp nội địa vẫn còn những hạn trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan có thẩm quyền ở trong và ngoài nước. Đồng thời, nhận thức, nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là trong một số lĩnh vực mới bị điều tra, về PVTM còn hạn chế dẫn đến doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ thời hạn đặt ra của cơ quan điều tra nước ngoài.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà và bài trình bày về thực trạng ứng phó với rào cản PVTM

Phiên thảo luận bàn tròn có thêm sự tham gia của các diễn giả: Bà Nguyễn Yến Ngọc – Trưởng phòng, Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương; Ông Nguyễn Hoàng Hà – Phó trưởng phòng Thuận lợi hoá Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Ông Lê Sỹ Giảng – Giám đốc điều hành GH Consults (GHC); Bộ Công thương; TS. Hoàng Ngọc Thuận – Phó Trưởng Ban quản lý Dự án WCP-FTU, Trường Đại học Ngoại thương, đã tiếp tục đi sâu vào thực trạng kháng kiện (tại nước ngoài) và khởi kiện (tại Việt Nam), kinh nghiệm, khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp và Hiệp hội, từ đó đề xuất giải pháp để chủ động vận dụng các biện pháp PVTM.

Phiên thảo luận bàn tròn

Kết thúc phiên Thảo luận, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu bế mạc và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại diện cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và Ban tổ chức đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Hội thảo “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế”.

Một số hình ảnh khác của Hội thảo:

Xem lại chương trình Hội thảo tại đây: