Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư duy lại thương mại quốc tế trước những thách thức mới” ngày 04/10/2024

126

Ngày 04/10/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “ duy lại thương mại quốc tế trước những thách thức mới”.

Về phía khách mời quan tâm tham dự hội thảo có các Đại sứ, tham tán các nước Malaysia, Campuchia, Myanmar; Ông Lê Đình Bá – Cố vấn Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ; Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; PGS, TS Marteen Smeets – Nghiên cứu viên không thường trực tại Viện Thương mại Thế giới (WTI), Cố vấn cao cấp cho chương trình FTU Chair; PGS, TS Alex Yang – Đồng Giám đốc, Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Quốc gia Đài Loan cùng với đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Trường Đại học, các doanh nghiệp quan tâm đến chủ đề của Hội thảo.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; TS Vũ Kim Ngân – Phó giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo, trường ĐH Ngoại thương và Trưởng, Phó một số đơn vị trong Trường cùng với các giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Hội thảo được tổ chức với hai hoạt động chính, bao gồm Phiên Toàn thể và Phiên song song. Phiên Toàn thể với Chủ đề “Tư duy lại thương mại quốc tế” gồm hai bài Trình bày chính, tiếp nối là Phiên thảo luận bàn tròn. Phiên thứ hai là một loạt Phiên song song, với ba phiên trình bày diễn ra đồng thời.

PGS, TS Maarten Smeets, Nghiên cứu viên cao cấp không thường trú, Viện Thương mại Thế giới, Cố vấn cao cấp cho chương trình FTU Chair đã đưa đến cái nhìn tổng quan nhất về những vấn đề mà hệ thống thương mại quốc tế đang phải đối mặt: từ những vấn đề hiện hữu của thể chế toàn cầu và các quy tắc lỗi thời của WTO, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ mới, an ninh quốc gia được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp hạn chế thương mại, phi toàn cầu hóa, tái toàn cầu hóa, thiếu sự lãnh đạo và thống nhất chung trong môi trường quốc tế, …. Từ đó đề xuất những định hướng tiếp theo để hệ thống thương mại ổn định và mạnh mẽ trở lại.

Tiếp nối phần trình bày của PGS, TS Marteen Smeets, PGS. TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, một chuyên gia có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về chính sách kinh tế và thương mại quốc tế đã tiếp tục phân tích sâu hơn vào thách thức trong bốn nhóm bao gồm chính trị, môi trường, xã hội và công nghệ trong thời đại VUCA, từ đó đề xuất 5 nhóm giải pháp, 4 định hướng hành động tích cực và chủ động để ứng phó với những thách thức này.

Phần thảo luận bàn tròn với sự điều phối của TS. Vũ Kim Ngân – Phó Giám đốc Chương trình FTU Chair và các diễn giả bao gồm: Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; PGS, TS Alex Yang – Đồng Giám đốc, Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Quốc gia Đài Loan; TS Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại FTU đã cho thấy các quốc gia và các bên liên quan có khả năng để giải quyết những thách thức mà hệ thống thương mại quốc tế đang đối mặt, các chuyên gia cũng tập trung và nhấn mạnh tới hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam và cho rằng, Việt Nam trong thời gian tới, với việc tập trung phát huy nội lực, chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh sẽ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba phiên trình bày và thảo luận song song ở Phần hai của chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, với 9 bài trình bày và phần Hỏi – Đáp, Những bài trình bày không chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại quốc tế truyền thống mà còn cho thấy thương mại và những vấn đề mới có liên quan mật thiết như thương mại số, thương mại và giới, thương mại và môi trường, … cũng cần được quan tâm.

Kết thúc Hội thảo, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu bế mạc và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại diện cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và Ban tổ chức đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Hội thảo “Tư duy lại thương mại quốc tế trước những thách thức mới”.