Diễn đàn Thương Mại Quốc tế Việt Nam (VFIT) Năm 2023: “Thương mại và Chuyển đổi kép: Hướng tới Chuyển đổi Xanh Và Chuyển đổi Số”

322

Ngày 29/9/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Diễn đàn Thương mại Quốc tế Việt Nam (VFIT) lần đầu tiên với chủ đề “Thương mại và Chuyển đổi kép: Hướng tới Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi số” trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình WTO Chair giai đoạn 2022-2026.

Tham dự diễn đàn, về phía khách mời có sự hiện diện của: Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền Thông; GS Henry Gao – Giáo sư Luật tại ĐH Quản lý Singapore (SMU), cùng với đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước, các sứ quán và tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; TS Vũ Kim Ngân – Phó giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; Trưởng, Phó một số đơn vị trong Trường cùng với các giảng viên, sinh viên Nhà trường

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Phạm Thu Hương đã nhấn mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giúp cho các quốc gia tận dụng được cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 một cách chủ động và tích cực. Là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực thương mại quốc tế, trong khuôn khổ chương trình WTO Chair, trường ĐH Ngoại thương đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động thảo luận và tư vấn chính sách, thu hẹp khoảng cách giữa các vấn đề học thuật và thực tiễn, đồng thời kết nối các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến vấn đề thời sự này.

Thay mặt Chương trình WTO Chair, Ông Werner Zdouc – Giám đốc Chương trình WTO Chairs của Tổ chức thương mại thế giới WTO đã bày tỏ sự cảm kích và đánh giá cao những nỗ lực của trường ĐH Ngoại thương trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác đa phương, hỗ trợ cộng đồng liên quan đến thương mại quốc tế.

Diễn đàn VFIT được tổ chức với hai hoạt động chính, bao gồm Phiên Thảo luận và Triển lãm. Phiên Thảo luận gồm ba bài trình bày với các nội dung liên quan đến xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, cùng với phần trao đổi của các diễn giả và đại diện các bên liên quan với khán giả tham dự Diễn đàn.

Bài trình bày đầu tiên của GS Henry Gao đã cho thấy những sự khác biệt rõ nét trong các quy định về thương mại số của ba cường quốc hàng đầu thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đồng thời lý giải cho sự khác biệt này từ quan điểm lợi ích và triết lý pháp lý của từng quốc gia. Đây được coi là những vấn đề quan trọng cần được xem xét trong các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.

Bài trình bày thứ hai của Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, các quan điểm chính sách, cách tiếp cận, các lĩnh vực ưu tiên và chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số là nhu cầu bức thiết, được Nhà nước đánh giá là trọng tâm phát triển của toàn xã hội trong thời gian tới nếu như Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và hướng tới chuyển đổi xanh bền vững.

PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường ĐHNT, chuyên gia về thương mại quốc tế đặt ra một chủ đề nhận được sự quan tâm hiện nay liên quan đến cách thức hoạt động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần có các cơ chế định giá carbon và phát triển thị trường tín dụng carbon để giảm lượng khí thảitrong quá trình sản xuất và là nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại với EU liên quan đến CBAM đối với hàng hoá nhập khẩu.

Phiên thảo luận bàn tròn có thêm sự tham gia của ba diễn giả: Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phụ trách Văn phòng Chuyển đổi số, Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Lê Huy Hoàng – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, FPT Digital, và Luật sư Victor Crochet từ văn phòng Luật Van Bael & Bellis, tiếp tục đi sâu vào thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam trước những thách thức toàn cầu. Các cơ chế như CBAM được nhận định sẽ tiếp tục được các quốc gia phát triển áp dụng trong tương lai, gây ra nhiều khó khăn như gia tăng chi phí chứng minh cho doanh nghiệp, đồng thời việc truy xuất lại toàn bộ nguồn gốc xuất xứ của chuỗi cung ứng được cho là rất khó. Các chuyên gia đã nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh và ngược lại. Tại Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho chuyển đổi số và thay đổi nhận thức là yếu tố quan trọng đóng góp cho quá trình chuyển đổi kép này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có các chuẩn bị sẵn sàng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các sáng kiến hợp tác và các chiến lược đối phó để giải quyết những thách thức đặt ra từ quá trình chuyển đổi kép.

Kết thúc phiên Thảo luận, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu bế mạc và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại diện cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và Ban tổ chức đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Diễn đàn Thương mại Quốc tế Việt Nam (VFIT) 2023 được tổ chức lần đầu tiên tại Trường ĐH Ngoại thương.

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, hoạt động Triển lãm đã cung cấp không gian cho các tổ chức, doanh nghiệp trình bày các giải pháp đã được thực hiện hướng tới chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Một số hình ảnh khác của sự kiện: