Phái đoàn Đại diện thường trực nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Tổ chức Quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ

414

1. Tổ chức và hoạt động

Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ (sau đây gọi tắt là Phái đoàn) là cơ quan đại diện chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quan hệ với Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia. Phái đoàn có trụ sở riêng tại Giơ-ne-vơ; có tài khoản và con dấu mang hình Quốc huy. Phái đoàn hoạt động trên cơ sở kinh phí chung được cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

 

Phái đoàn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

– Bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

– Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, cũng như với các nước thành viên của các tổ chức quốc tế đó; tranh thủ sự trợ giúp và hợp tác kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

– Thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự nhằm bảo hộ quyền và lợi ích Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

– Tham gia ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

– Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác hành chính, kế toán, tài chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động.

– Quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất của Phái đoàn và sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp một cách tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo sự chỉ đạo, phân công hoặc ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về các nhiệm vụ liên quan đến WTO.

 

Cơ cấu tổ chức của Phái đoàn bao gồm: Phòng Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế khác, Phòng WTO và các vấn đề hợp tác thương mại đa phương, Văn phòng Phái đoàn. Trong đó:

– Phòng Liên hợp quốc có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các Tổ chức của Liên hợp quốc đặt tại Giơ-ne-vơ, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, Hội nghị Giải trừ Quân bị và các vấn đề kinh tế chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế đa phương và chuyên môn khác theo phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, phù hợp với các quy định hiện hành.

– Phòng WTO chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến sự tham gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại WTO và các vấn đề hợp tác kinh tế – thương mại đa phương cũng như một số công việc khác theo sự phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn.

–  Văn phòng Phái đoàn phụ trách công tác hành chính, văn thư, quản trị, tài vụ, cộng đồng, lãnh sự, lễ tân, và một số vấn đề đối nội, đối ngoại và chuyên môn khác do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn phân công.

(Quyết định số 51/2009/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2009 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ)

 

Ký kết MOU giữa Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ và Chương trình WTO Chairs tại trường Đại học Ngoại thương

2. Nội dung hợp tác

Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thuộc Chương trình Chủ tịch WTO (WTO Chairs), vào ngày 4/11/2022, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phái đoàn và Trường Đại học Ngoại thương (FTU) Hà Nội về hợp tác, hỗ trợ FTU trong các hoạt động tham gia Chương trình WTO Chairs nhiệm kỳ 2022-2026. Các bên cam kết hợp tác với nhau trong các hoạt động như sau:

– Dưới trụ cột giảng dạy và phát triển chương trình: Thiết kế và giảng dạy các khóa học mới (nếu cần), ví dụ các khóa học dành cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, giảng viên cũng như đánh giá và cập nhật các chương trình hiện có.

– Dưới trụ cột nghiên cứu: hợp tác hỗ trợ các dự án nghiên cứu trong khuôn khổ dự án WCP giai đoạn 3.

– Dưới trụ cột sự kiện và lan tỏa: hợp tác trong các hoạt động sự kiện trong khuôn khổ Chương trình WCP giai đoạn 3 bao gồm các hoạt động truyền thông cho Chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho diễn đàn Thương mại quốc tế được tổ chức bởi trường Đại học Ngoại thương; cử chuyên gia/viết bài/góp ý cho các hội thảo, tọa đàm trong khuôn khổ Chương trình.