Theo kế hoạch hoạt động năm 2022, Tiểu ban Nghiên cứu cùng Tiểu ban chương trình giảng dạy thuộc Chương trình WTO Chairs Giai đoạn III tại Trường Đại học Ngoại thương đã thực hiện hai hoạt động điều tra khảo sát vào tháng 06/2022 đối với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp trên một số tỉnh thành: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng,…
Nhằm thu thập thông tin, nhu cầu thực tiễn của các bên liên quan (doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước…) về nhận thức, thực tế thực thi và vận dụng, cập nhật thông tin các cam kết trong các thỏa thuận thương mại song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTA), đặc biệt là cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đoàn khảo sát của Dự án đã thu thập thông tin bằng phương pháp bảng hỏi, phỏng vấn, phỏng vấn sâu trong 4 tuần.
Khảo sát đầu tiên, với mục tiêu thu thập thông tin về nhận thức, thực tế thực thi và vận dụng các cam kết trong những thoả thuận mà Việt Nam tham gia có mục tiêu hướng tới 2 nhóm đối tượng: Cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội, Doanh nghiệp.
Các câu hỏi đặt ra cho đối tượng là các Hiệp hội, Doanh nghiệp của khảo sát có thể kể đến bao gồm: các thông tin cơ bản của doanh nghiệp, tự đánh giá mức độ hiểu biết và tham gia của các doanh nghiệp trong các FTA mà Việt Nam tham gia, thực tế hoạt động kinh doanh với các đối tác FTA mà Việt Nam tham gia, xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến tận dụng cơ chế ưu đãi từ các FTA của Việt Nam,….
Các câu hỏi đặt ra cho đối tượng là đại diện cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: câu hỏi về công tác xây dựng chính sách, pháp luật và hoàn thiện thể chế thực thi các FTA, công tác phổ biến tuyên truyền các FTA cho doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA,…
Nhóm khảo sát đặt mục tiêu điều tra khảo sát đối với 280 doanh nghiệp và 20 cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, sau 4 tuần triển khai thực tế, số lượng nhóm khảo sát đạt được là 450 khảo sát đối với doanh nghiệp và 30 khảo sát đối với cơ quan quản lý nhà nước để tập hợp, phân tích thành một báo cáo sơ bộ có kết quả nghiên cứu toàn diện nhằm triển khai các nghiên cứu chuyên sâu của Dự án.
Khảo sát thứ hai, với mục tiêu đánh giá thực tiễn nhu cầu của chính quyền địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ nhằm thiết kế các khoá học cơ bản và chuyên sâu cho những đối tượng này về các cam kết trong các thỏa thuận thương mại song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia.
Là các đối tượng có được quyền lợi trực tiếp từ những khoá đào tạo, trên 50% các đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý doanh nghiệp tại các tỉnh thành được khảo sát đều có sự quan tâm rất cao với 4 trên 6 chuyên đề dự kiến mà khoá học ngắn hạn năm 2022 Dự án sẽ tổ chức.
Nhóm khảo sát đã thành công thu thập thông tin từ 448 doanh nghiệp và 20 cơ quan quản lý nhà nước, và kết luận sơ bộ bằng một báo cáo về nhu cầu đào tạo ngắn hạn vào tháng 8 năm 2022.
Dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu khác về các buổi gặp mặt trực tiếp đối tượng của 2 khảo sát mà Chương trình WTO Chairs giai đoạn III tại Trường Đại học Ngoại thương đã thực hiện.