Ngày 14/05/2024 vừa qua, tại phòng hội thảo A1001, trường ĐH Ngoại thương, Ban quản lý chương trình WTO Chair Program – FTU đã tổ chức Khai giảng Khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu trong thương mại quốc tế dành cho đối tượng giảng viên trẻ. Tham dự buổi khai mạc có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng ban chỉ đạo chương trình WCP-FTU; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trưởng ban quản lý chương trình cùng các chuyên gia, thầy cô giáo tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo, các thành viên Ban quản lý chương trình và các học viên của khóa đào tạo.
Phát biểu khai giảng, PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng ban chỉ đạo chương trình WCP-FTU bày tỏ vui mừng khi khóa học được triển khai tổ chức trong một thời gian ấp ủ và chuẩn bị. Cô đặc biệt nhấn mạnh tính bền vững và sự kết nối của khóa học này, trong đó, mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu về các vấn đề thương mại quốc tế cho đội ngũ giảng viên trẻ là mục tiêu quan trọng nhất. Cô cũng bày tỏ kỳ vọng khóa học với sự đồng hành, hướng dẫn của các chuyên gia, các thầy cô giáo hàng đầu về thương mại quốc tế sẽ mang đến những góc nhìn, những cách tiếp cận, những phương pháp nghiên cứu hiện đại, cập nhật nhất cho các học viên. Cuối cùng, cô mong muốn các học viên trẻ tham gia khóa học hãy tích cực học tập, chủ động sáng tạo trong suốt khóa học để có thể thu lại được nhiều giá trị hơn nữa cho bản thân và công việc nghiên cứu.
Trong khuôn khổ buổi khai giảng khóa học, TS Phạm Thị Cẩm Anh – Trưởng tiểu ban Nghiên cứu chương trình WCP-FTU đã giới thiệu tổng quan về khóa học: Mục tiêu, Giảng viên, Nội dung chương trình học, Thời gian, Kết quả, Yêu cầu của khóa học. Theo đó, mục tiêu của khóa học là cung cấp kiến thức hệ thống về các phương pháp nghiên cứu kinh tế và pháp luật trong thương mại quốc tế; đồng thời học viên được tiếp cận các hướng nghiên cứu mới, các vấn đề nổi bật hiện nay trong thương mại quốc tế. áp dụng các phương pháp nghiên cứu kinh tế, pháp luật tiên tiến và hiện đại trong các nghiên cứu chuyên sâu về thương mại quốc tế. Khóa học sẽ chia làm 2 chặng Cơ bản và Nâng cao với 15 buổi học lý thuyết, hướng dẫn thực hành, mentoring dưới sự dẫn dắt bởi các chuyên gia, giảng viên hàng đầu, có kinh nghiệm và các công trình nghiên cứu về Thương mại quốc tế trong và ngoài nước. Nội dung khóa học tập trung vào các nội dung: PTA, khai thác và phân tích dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu ngành trong nghiên cứu thương mại, mô hình trọng lực, nghiên cứu luật thương mại quốc tế, thực hành mô hình, công bố bài nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín về thương mại quốc tế… Kết thúc khóa đào tạo, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học và được khuyến khích có tối thiểu 1 bài báo công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học có uy tín.
Ngay sau buổi khai mạc, khóa học bắt đầu buổi học đầu tiên với nội dung “Các thỏa thuận thương mại ưu đãi trước đây và tương lai” được giảng dạy bởi GS. Manfred Elsig – Phó giám đốc Viện Thương mại thế giới WTI, ĐH Bern (Thụy Sĩ).
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi khai giảng: